Xử lý âm thanh trong phim truyện (Bài 7)
VTVTC: Website daotao.vtv.vn đi vào hoạt động từ 12/4/2013. Điều làm chúng tôi rất vui là những thông tin phản hồi tích cực từ các đồng nghiệp trong cả nước. Hơn thế, nhiều đồng nghiệp còn sẵn sàng chia sẻ với daotao.vtv.vn những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm nghề và học tập.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết thứ bẩy ” Xử lý âm thanh trong phim truyện” của Thạc sĩ Bùi Thái Dương- Trưởng phòng Đạo diễn và Quay phim – Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế- Đài truyền hình Việt Nam.
Lời thoại
Trong phim câm, hình ảnh nói được rất nhiều nhưng vẫn phải dùng những phụ đề để làm rõ hơn thông điệp của hình ảnh, dần dần, cùng với sự phát triển của công nghệ, người làm phim đã cho nhân vật nói được tiếng nói của mình. Tuy nhiên lời thoại trong phạm trù của ngôn ngữ điện ảnh chỉ được vang lên khi cần thiết và được tiết chế tối đa ở từng câu, thường mang tính chất rất đời, đôi khi mang đậm tính hài hước nhưng sắc sảo và thông minh. Chú ý khi sử dụng thoại kiêng dùng quá nhiều điển tích, thổ ngữ và cổ ngữ.
Có thể lấy một ví dụ thú vị trong phim Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Để chuẩn bị đón tiếp “bà hai”, ông Cảnh đào hũ rượu chôn dưới đất lên để uống lấy sức (!). Thấy thế bà Thoa (vợ cả) hỏi: “Sao biểu chôn sáu tháng mới uống được?”. “Chà, uống quách đi cho rồi”. Bà Thoa không nói gì, vào buồng rũ chiếu, vui vẻ nói với Tâm (bà hai): “Cả đời mới gặp nhau, chị em mình ngủ chung cho vui, nghe thím”. “Dạ. Tâm gượng cười đáp”. Ông Cảnh lẳng lặng đổ ly rượu vừa rót vào hũ. Trong đêm, cùng dưới một mái nhà, cả ba nhân vật đều trằn trọc khó ngủ. Tâm ngồi dậy. Phòng ngoài, ông Cảnh nhổm người nhìn sang… Bà Thoa hỏi: “ Đang sớm mà thím”. “Dạ, em ra sân hóng gió”. “Nóng hả thím?”
“Nóng hả thím?”, câu hỏi của bà Thoa thật “đắt” trong trường hợp này, khi hai người đàn bà nằm chung một giường giữa đêm hè nóng nực, người nọ thao thức để canh chừng người kia, trong khi một người đàn ông nằm nhà ngoài cũng ruột gan cồn cào như lửa đốt. Và một tiếng cười ý nhị bật lên trong khán giả khi chứng kiến hoàn cảnh trớ trêu của ba nhân vật, mà trung tâm là bà Thoa với mọi nỗ lực ngăn cản sự gần gũi giữa chồng mình và cô vợ hai, chỉ với vài câu thoại cũng đủ bộc lộ lên tính cách, tâm tư tình cảm của người phụ nữ này.
Âm nhạc
Đạo diễn Nga S. Eisenstein đã nói: “Chính âm nhạc khái quát ý tưởng của hình ảnh”, qua đó khẳng định ý nghĩa, chức năng của nhạc phim. Nhạc phim có khi đơn thuần dùng để minh họa hình ảnh mang tính chất giải trí nhưng cũng có khi là nhân tố cấu thành vô cùng quan trọng để biểu hiện ý tưởng nghệ thuật và kịch tính của tác phẩm. Đạo diễn phải xử lý tạo hình của nhạc phim như thế nào để có được những hình tượng âm nhạc phù hợp với hình tượng nhân vật, đồng thời kiểm soát được việc xử lý âm nhạc ngay cả trong những tình tiết ngắn. Cảnh hành quyết tù binh trong bộ phim Đêm dài 1943 (1960) được ghép nhạc bằng hành khúc phát xít tưng bừng hay hình ảnh hạnh phúc ở cuối phim Ly dị kiểu Ý (1961) diễn ra dưới âm hưởng của hành khúc tang lễ. Đặc biệt, ý nghĩa của âm hình chủ đạo trong nhạc phim đã đạt đến bước tiến triển vượt bậc, nó bao quát và biểu hiện ý tưởng nghệ thuật ngầm của bộ phim mà đôi khi không thể diễn tả hết bằng hình ảnh, chẳng hạn như chủ đề Jelcomine trong phim Italia Con đường (1954 – đạo diễn F. Fellini – âm nhạc Rota). Không hiếm khi nhạc phim không dùng để biểu hiện cảm xúc mà ngược lại – để kiềm chế cảm xúc như trong phim Pháp Bốn trăm cú đánh(1959 – đạo diễn Truffo – âm nhạc Konstaten). Ở đây, nhạc sĩ đã dựng nên hình tượng – chủ đề âm nhạc nghiêm khắc nhằm đòi hỏi khán giả đánh giá một cách khách quan đối với sự kiện trên màn ảnh. Nhạc phim có thể là tác phẩm âm nhạc được định hướng sáng tác cho bộ phim cụ thể nhưng cũng có khi được tập hợp từ các giai điệu, ca khúc và giao hưởng nổi tiếng. Rất nhiều bộ phim sử dụng âm nhạc của Bach, Mozart. Wagner … đạt hiệu quả cao, điều đó giúp cho người xem liên tưởng những sự kiện xã hội đương thời với những hình tượng truyền thống cao đẹp. Trong thể loại phim đặc biệt – phim âm nhạc – đạo diễn càng phải có những xử lý tinh tế bởi ở đây, âm nhạc không chỉ đảm nhiệm vai trò tổng quát mà còn trở thành nội dung chính của tác phẩm điện ảnh – thí dụ như các phim opera của những năm 80 La Traviatta, Carmenvà Otello. Ở các tác phẩm này, khán giả không phải thưởng thức Opera như một chương trình truyền hình với cảnh trí sân khấu mà được cảm nhận các tác phẩm âm nhạc vĩ đại như một bộ phim thực thụ – trong đó kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố – âm nhạc và hình ảnh. Nhiều bản nhạc phim đã vượt xa ý nghĩa khiêm nhường như một nhân tố cấu thành của tác phẩm điện ảnh và trở thành các hình tượng nghệ thuật bất hủ, ví dụ như âm nhạc cho bộ phim Nga Bão tuyết của nhạc sĩ Sviridov. Mỗi khi nhắc đến bộ phim này, đầu tiên, người ta thường nghĩ ngay đến âm nhạc, sau đó mới đến nỗi dung của bộ phim. Có lẽ chính vì vậy mà nhạc phim Bão tuyết luôn nằm trong danh mục biểu diễn của các Philharmonic danh tiếng trên thế gới. Không những thế, người ta còn sáng tác cả vở balet lớn dựa trên âm nhạc của bộ phim này. Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng, không chỉ làm nền, tạo hiệu ứng cho hình ảnh và lời thoại mà còn truyền cảm hứng cho cả một bộ phim [53]. Một ca khúc hay bản nhạc cũng dễ được quảng bá hơn khi xuất hiện trong các bộ phim. Rõ ràng, âm nhạc và điện ảnh có mối quan hệ tương hỗ mà nếu làm tốt thì cả hai đều có lợi và tạo thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị riêng, như nhạc sĩ Trọng Đài từng nói: “Một ca khúc trong phim nếu xuất sắc sẽ tách khỏi bộ phim và có đời sống riêng với sức sống riêng của nó”.
Một trong những minh chứng cho sự tài hoa của đạo diễn trong xử lý tạo hình nhạc phim, đó là bộ phim Titanic (1997) kể về vụ đắm tàu Titanic – một trong những sự kiện kinh hoàng nhất thế kỉ 20 và mối tình nồng thắm vượt trên mọi rào cản của 2 nhân vật trẻ tuổi Jack và Rose. Với sự dàn dựng của James Cameron, Titanic đã trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại, đã đạt kỉ lục về số giải thưởng Oscar (11 giải ) trong đó có một giải thưởng danh giá dành cho âm nhạc xuất sắc nhất. James Cameron đã tỏ ra là một đạo diễn rất tinh tế và nhạy cảm trước những chuyển động đầy hình khối và màu sắc của hình ảnh và âm thanh. Ông đã kết hợp được sức mạnh tổng hợp của hiệu ứng hình ảnh và hiệu ứng âm thanh. Ta có thể thấy ngay ý đồ của tác giả trong bộ phim là nhấn mạnh vai trò âm nhạc, đưa âm nhạc trở thành yếu tố chủ đạo, xuyên suốt bộ phim. Với sự hoành tráng trong dựng cảnh và sự bề thế của âm nhạc đã đưa người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đi từ những sự rung động nhẹ nhàng đến sâu sắc. Chủ đề âm nhạc chính trong bộ phim là tình yêu đôi lứa, là trái tim dũng cảm vượt lên mọi rào cản để được ở bên nhau. Có thể nói, âm nhạc trong phimTitanic như một bản nhạc giao hưởng lớn mà mỗi trường đoạn của bộ phim là một phần của bản giao hưởng đó. Âm nhạc góp phần thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật, cũng như làm tăng thêm sự kịch tính và hấp dẫn trong từng dây, từng phút của bộ phim. Âm nhạc là chủ đạo, chính âm nhạc đã tạo ra không gian âm thanh đa chiều cho bộ phim.
Tiếng động
Trong phim, tiếng động giúp hướng sự chú ý của người xem vào nó. Giả sử chúng ta có cận cảnh một người đàn ông trong phòng và chúng ta nghe thấy tiếng cót két của cánh cửa đang mở. Nếu đúp quay tiếp theo là cánh cửa , bây giờ đã mở thì sự chú ý của người xem có lẽ sẽ chuyển sang cánh cửa đó. Nhưng nếu đúp quay thứ hai thể hiện cánh cửa vẫn mở, người xem dường như sẽ ngẫm nghĩ về cách hiểu tiếng động đó của mình. Do vậy tiếng động có thể làm rõ các sự kiện hình ảnh, phủ định chúng, hoặc làm chúng mờ nhòa đi. Trong mọi trường hợp, tiếng động có thể có quan hệ tích cực với hình ảnh. Ví dụ về cánh cửa đang mở này gợi mở lợi thế nữa của tiếng động. Nếu chúng ta nghe tiếng cánh cửa cót két, chúng ta sẽ phán đoán có ai đó vào phòng và chúng ta sẽ thấy người đó ở đúp quay tiếp theo. Nhưng nếu phim đi theo thể loại phim kinh dị thì máy quay có thể dừng lại ở con người đang bắt đầu hoảng sợ ở đó. Do đó chúng ta sẽ ở trong trạng thái hồi hộp giống như quỷ hiện diện ngoài màn ảnh. Những phim kinh dị và huyền bí thường sử dụng uy lực của tiếng động từ một nguồn vô hình khiến công chúng hứng thú, song tất cả các loại phim đều có thể tận dụng ưu thế này. Tùy từng cách xử lý của đạo diễn có thể đánh lừa hoặc tái định hướng một cách sáng tạo mong đợi của người xem, tạo ra những hiệu quả cao với người xem.
Bùi Thái Dương
Đài truyền hình Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét