Thành viên Xine Tập sự thân mến!
Gần đây Xine Tập sự đã rất may mắn khi có cơ hội trò chuyện cùng đạo diễn – biên kịch Mai Đình Khôi về mảng phim tài liệu anh đang làm. Mong rằng những chia sẻ của anh sẽ giúp các bạn có thêm những hiểu biết về thể loại này.
- Tên: MAI ĐÌNH KHÔI
- Sinh năm: 1984
- Hiện đang sống ở: Hà Nội
- Công việc hiện tại: Làm phim tài liệu cho kênh VTC 14 ( Đài Truyền hình KTS VTC)
- Các phim tham gia sản xuất: Khe Hở, Thành phố trống ( Biên kịch & Đạo diễn Mỹ Dung). Phim ngắn Mùa Đom Đóm Bay cùng 6 phim tài liệu khác ( Biên kịch & Đạo diễn).
- Giải thưởng: Phim tài liệu Sống Sát Đường Ray được BBC World News lựa chọn phát sóng trong dự án My Country – Việt Nam (2011
1. Chào anh Khôi! Được biết anh từng có thời gian tham gia Dự án điện ảnh quỹ Ford, khóa học này đã mang lại cho anh những gì?
Cho đến giờ nhìn lại thì mình nghĩ việc tham gia khóa học này là một bước ngoặt. Trước đó mình vẫn chỉ làm những công việc liên quan đến sách như viết bài giới thiệu sách, phê bình tác phẩm văn học và viết một số bài báo về các hoạt động văn hóa, văn nghệ… chủ yếu là đứng ở phía người quan sát sự sáng tạo nghệ thuật. Trải qua khóa học ở Dự án điện ảnh (2007 – 2008), mình bắt đầu biết đến nghệ thuật, lịch sử điện ảnh, học cách viết kịch bản và mượn máy quay du lịch, máy ảnh để bắt đầu quay những hình ảnh cuộc sống đời thường theo cách quan sát của mình.
Cùng với những khóa học ngắn hạn tiếp theo của TPD, Hội Đồng Anh, Viện Goethe và tham gia vào các dự án làm phim ngắn của bạn bè, mình hiểu hơn về cách làm phim, cách kể một câu chuyện bằng hình ảnh, hiểu về sức mạnh của máy quay và một ý tưởng. Bây giờ, làm phim là niềm đam mê số 1 của mình.
2. Liên quan đến mảng phim tài liệu anh đang làm, anh có thể chia sẻ đôi chút về quá trình anh đến với thể loại này? Chủ đề anh theo đuổi là gì?
Những đoạn phim đầu tiên mình làm ra (trong khoảng thời gian học ở Dự án Điện ảnh), mình tạm xếp nó vào thể loại phim tài liệu, với những hình ảnh chân thực về cuộc sống xung quanh. Tất nhiên, nó còn quá nhiều khiếm khuyết và đầy bản năng. Sau khi kết thúc khóa học của Dự án Điện ảnh, mình nhận được tài trợ để làm một bộ phim ngắn trong dự án 10 tháng 10 phim của TPD. Quá trình làm bộ phim ngắn đầu tay là một cú sock khá lớn với mình khi kỹ năng của một biên kịch trong mình nhiều hơn là kỹ năng của một đạo diễn. Phim không tốt như mình mong đợi nhưng nó cho mình rất nhiều kinh nghiệm.
Ạnh Mai Đình Khôi làm phim tài liệu tại Quảng Bình
Còn hiện tại, mình đang tham gia làm phim tài liệu cho chuyên mục Góc nhìn cuộc sốngvà Thiên nhiên Việt Nam của kênh VTC14 ( một kênh chuyên biệt về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa). Đây là một công việc thú vị. Nhiều người cho rằng việc làm truyền hình có cái gì đó rất “ăn xổi”, rất lối mòn và nhạt nhẽo. Mình thì không nghĩ vậy, nếu mình làm việc nghiêm túc, tập trung thì sản phẩm của mình sẽ có một tác động nhất định đến một vài đối tượng nào đó. Mà đặc biệt, truyền hình mang tính đại chúng, mình muốn nói đến khía cạnh phổ biến và cập nhật thông tin mà các kênh sóng truyền hình mang lại.
Vì đặc trưng của mảng đề tài mà mình theo đuổi, nên những bộ phim của mình thường hướng đến những số phận con người sinh sống trong những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt: giữa vùng nắng gió, cát bay Quảng Bình, giữa vùng đất đá khô cằn Lục Khu (Cao Bằng), hay những bản làng mà mỗi mùa mưa phải liên tục dựng đi dựng lại cây cầu bằng tre, luồng bắc qua sông… Mình cũng quan tâm đến sức ép của môi trường xã hội (đô thị, quan niệm sống giữa các thế hệ) và cuộc sống của giới trẻ.
3. Thời gian đầu làm phim tài liệu anh có gặp khó khăn gì không? Theo anh làm phim tài liệu có gì khó so với các thể loại khác?
Khó khăn nhất có lẽ là khả năng nhìn ra vấn đề mới, khía cạnh mới, một vấn đề mới và khả năng nhìn bao quát một sự việc, hiện tượng. Điều này hẳn là khó khăn lâu dài đối với những ai theo đuổi việc làm phim tài liệu. Nó đòi hỏi người làm phim phải có vốn sống, có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, khả năng tác nghiệp tại hiện trường. Mình vẫn thường giữ thói quen tóm tắt ý tưởng làm phim của mình trong một câu, và bao giờ tìm ra được một điều gì mới lạ thì mình mới bắt tay vào làm phim.
Bản thân phim tài liệu cũng có rất nhiều loại hình, khuynh hướng. Mình cũng mới làm phim và quan tâm nhiều đến kỹ năng tác nghiệp tại hiện trường, đến việc thuyết phục quay phim quay một hình ảnh không có trong đề cương kịch bản nhưng lúc ra đến hiện trường mình “bắt” được một vài chi tiết mà mình nghĩ chắc chắn sẽ quan trọng trong bản dựng phim sau này. Nguyên tắc của mình là không được hoang phí sự sáng tạo của quay phim và sự khác biệt đôi khi được tạo ra bởi vị trí đặt máy.
4. Được biết năm vừa qua, bộ phim mang tên “Sống sát đường ray” anh làm với vai trò đạo diễn và biên kịch là một trong ba phim tài liệu của Việt Nam được kênh truyền hình BBC World News chọn phát sóng trong loạt series phim mang tên My Country – Đất nước tôi. Anh có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm này?
Đó là một dự án tuyển chọn những bộ phim đã được hoàn thành với chủ đề là quan sát sự thay đổi của đời sống Việt Nam. Có hai phim của Đạo diễn Phan Huyền Thư và một phim của mình được chọn. Mình cũng không biết có tổng cộng bao nhiêu phim tham gia. Với mình thì đây là một sự may mắn.
Sống sát đường ray là câu chuyện thường nhật của những hộ dân ( vốn là công nhân của ngành đường sắt) phải cơi nới những ngôi nhà của mình ra sát đường ray do nhu cầu sinh hoạt. Có những gia đình sống quá chật chội đến mức không còn đủ chỗ để treo những tấm bằng khen, trong khi những dự án di dời thì mãi vẫn không được thực hiện. Với mình thì đây là một thử nghiệm về tiết tấu của phim, của việc tạo ra những hình ảnh đối lập.
Mình mất khoảng 6 ngày để tiếp cận các nhân vật, viết kịch bản, 5 ngày quay và 4 ngày làm hậu kỳ. Khoảng thời gian không nhiều, nhưng bộ phim này cũng đã ngốn khá nhiều sức lực của ekip với một kinh phí khá hạn hẹp của việc làm phim tài liệu truyền hình.
Ấn tượng lớn nhất là khi một nhân vật nói rằng những con vật họ nuôi cũng biết giờ tầu chạy, nghe tiếng còi tầu đến mà chạy vào nhà. Mình muốn nói đến khả năng thích nghi của người Việt, chứ người nước ngoài (khách du lịch) thì thực sự là họ “kinh hãi”. Chắc đây cũng là một phần lý do để họ chọn phim của mình.
5. Anh có thể nói thêm về phong cách làm phim tài liệu của mình?
Mình nghĩ đơn giản thế này, đã là phim thì phải có ngôn ngữ của phim, đã là kể một câu chuyện thì phải có giọng điệu của nó. Mình cũng đang tìm một giọng điệu riêng. Là một người kiệm lời, mình cũng không đưa quá nhiều lời bình vào trong phim, nhưng cũng không “tra tấn” khán giả bằng những đoạn đối thoại, phỏng vấn triền miên, không đầu không cuối để kéo cho kỳ được 30 phút phim đủ đạt yêu cầu phát sóng. Mình cố gắng thuyết phục mọi người bằng hình ảnh. Mình thích để những hình ảnh, hành động, âm thanh đối lập đối với nhau và đi vào chi tiết.
Phim của mình có nhiều cảnh cận, đặc tả, không có những cảnh dàn dựng, hồi tưởng quá khứ (flashback) cho dù nhân vật có những đoạn kể về quá khứ. Hoàn toàn có thể thay thế chúng bằng những vật kỷ niệm có dấu ấn thời gian hoặc những thủ pháp khác. Mình luôn nghĩ, phim tài liệu là câu chuyện được viết ở thì hiện tại (hình ảnh).
Còn đối với những cảnh quay thiên nhiên thì trước hết phải đẹp về mầu sắc và hình ảnh. Cố gắng sử dụng nhiều cú máy động trong điều kiện thiết bị ít ỏi, cố gắng có những cảnh quay chi tiết, thậm chí có những khi phải “ngồi rình” những sinh vật trong tự nhiên. Mình khá may mắn trong mỗi lần đi quay khi quay được những tổ ong rừng, tắc kè và rắn rết thực sự trong khi nhiều người đi rừng bản địa có khi phải mất cả tháng mới gặp.
6. Những dự định tới đây của anh?
Trước mắt thì mình vẫn tiếp tục làm phim tài liệu thôi, nhưng sẽ cố gắng cân đối thời gian để có thể tham gia những khóa học ngắn hạn về làm phim. Đó là môi trường thuận lợi để mình có thể kết nối được với những bạn trẻ yêu thích làm phim, đặc biệt là mảng phim tài liệu. Biết được xung quanh họ đang làm gì và làm như thế nào thì mới mong mình làm khác được.
7. Anh có lời khuyên gì đối với những bạn trẻ yêu thích và có dự định theo đuổi điện ảnh nói chung và với dòng phim tài liệu nói riêng?
Về thể loại này, có những khác biệt giữa việc làm phim tài liệu hướng tới một vấn đề mang tính xã hội, mối quan tâm chung của nhiều người với việc làm phim tài liệu để kể một câu chuyện mang tính cá nhân, câu chuyện về đời sống của riêng mình, nhưng quan trọng nhất theo mình vẫn là phải có một ý tưởng rõ ràng và cố gắng thể hiện điều đó bằng hình ảnh, thuyết phục người xem bằng hình ảnh. Sự kiên nhẫn và linh hoạt là rất quan trọng, đôi khi những thứ mình nghĩ trước đó lại không đúng với thực tế những gì đã xảy ra. Nó khiến người làm phim phải biết hoài nghi và luôn luôn hoài nghi.
Xine Tập sự cảm ơn anh về những chia sẻ rất cởi mở.
Chúc anh thành công trong những dự án sắp tới của mình!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét